Blog chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn ngon

Nhâm nhi bánh khoai chiên tôm cho chiều lạnh



Mùa đông mà được nhâm nhi những chiếc bánh khoai tôm giòn ngon, nóng hổi thì thật là tuyệt!
Nguyên liệu:
- Tôm: 100g
- Khoai: 2 củ
- Bột chiên giòn
- Gia vị
banh-khoai-chien-tom 1
Tham khảo cách làm khoai lang chiên tôm dưới đây.
Cách làm:
Bước 1: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch sau đó bào khoai thành sợi.
Bước 2: Tôm đồng cắt bỏ râu, rửa sạch tôm sau đó ướp tôm với một ít hạt nêm cho ngấm gia vị.
Bước 3: Cho bột chiên giòn vào tô, tiếp đó thêm khoảng 200ml nước vào hòa tan bột, sau đó cho khoai lang đã bào và tôm đã ướp vào trộn đều.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Múc từng muỗng hỗn hợp bột vào chiên ngập dầu ở lửa vừa. Khi một mặt bánh chuyển vàng thì lật bánh. Chiên cho đến khi bánh chín vàng đều thì gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
banh-khoai-chien-tom 2
Bánh khoai chiên tôm giòn ngon, nóng hổi chấm cùng tương ớt cay cay vô cùng hấp dẫn.
banh-khoai-chien-tom
Chúc bạn thành công và ngon miệng với cách làm bánh khoai chiên tôm!

Cách làm bánh tét ngon, xanh, đẹp mắt



Cách làm bánh tét không hề khó và phức tạp như các bạn nghĩ, hãy làm theo hướng dẫn dưới đây bạn sẽ có những chiếc bánh tét xanh, đẹp mắt để ăn Tết.
Nguyên liệu 
- Gạo nếp: 1 kg
- Đậu xanh: 250 g
- Hành tím: 2 củ
- Hột vịt lộn muối: 5 trứng
- Mỡ heo: 300 g
- Rau ngót: 1 bó
- Lá chuối, giấy bạc, cuộn dây, muối, tiêu, đường, hạt nêm
Cách làm
Bước 1:
Bạn ngâm đậu xanh trong vòng 4 tiếng. Sau đó vớt đậu xanh ra và cho vào nồi, đổ ngập nước và nấu với lửa nhỏ. Khi đậu đã chín thì tắt bếp, nêm thêm một thìa muối, một thìa đường vào và trộn đều.
Bước 2:
Cắt thịt heo thành những miếng dài bằng nhau. Thường thì người ta dùng thì mỡ heo để làm bánh tét, nhưng nếu bạn không thích thì có thể thay bằng thịt nạc. Tiếp đó, bạn đem thịt ướp với gia vị như sau: nửa thìa hạt nêm, nửa thìa hạt tiêu và hành tím bằm nhỏ. Đợi trong 30 phút cho thịt ngấm gia vị.
Bước 3:
Trải giấy bạc ra, sau đó rải đậu xanh lên và ép dẹp. Tiếp đến, bạn trải miếng thịt lên trên lớp đậu xanh. Cắt trứng muối thành 4 phần rồi cho một phần lên trên lớp nếp. Sau đó, quấn phần đậu xanh lại rồi đem vào tủ lạnh cho đông cứng.
Bước 4:
Dùng máy xay sinh tố xay rau ngót rồi lọc lấy nước. Gạo nếp bạn để ngâm nước qua đêm. Sau đó, vớt nếp ra, đợi 10 phút cho nếp khô rồi đổ nước rau ngót vào chung. Tiếp đến, bạn cho thêm một thìa muối vào rồi trộn đều hỗn hợp. Chú ý bạn chỉ nên trộn nhẹ tay để không làm vỡ nếp. Sau đó, chia phần nếp vừa trộn ra thành số phần tương ứng với số nhân đậu xanh.
Bước 5:
Trải tờ giấy bạc ra rồi xếp lá chuối lên trên. Mục đích sử dụng giấy bạc khi nấu bánh tét là để ngăn nước lọt vào bên trong bánh. Nhờ vậy, bánh sẽ chắc, ngon và để được lâu. Giấy bạc còn giúp giữ nhiệt cho bánh giúp bánh chín nhanh. Tiếp đến, bạn rải lớp nếp lên trên lá chuối, dàn đều rồi đến nhân đậu xanh.
cach-lam-banh-tet- 0
Dàn đều nếp rồi cho nhân đậu xanh lên
cach-lam-banh-tet- 1
Phủ tiếp một lớp nếp nữa lên trên nhân đậu xanh rồi cuộn tròn lá chuối lại.
Cuộn tròn bánh lại
Bạn lấy dây lạt buộc ngang, chính giữa cuộn bánh. Sau đó, bạn nhẹ nhàng bẻ gập phần góc chiếc bánh rồi dựng đứng lên, đổ thêm một phần nếp nữa để phần bánh cũng có nếp đều. Đầu kia bạn cũng làm tương tự rồi dùng phần lá chuối che hai đầu bánh lại. Sau khi cột xong đòn bánh thì bạn lăn nhẹ để nếp bên trong chạy đều.
cach-lam-banh-tet- 2
Sau khi buộc đòn bánh thì lăn nhẹ để nếp bên trong chạy đều
Bước 6:
Bạn cho các đòn bánh tét vào trong nồi lớn đun sôi có lót thêm vài lá chuối phía dưới đáy nồi. Bạn tiến hành nấu bánh với lửa vừa trong thời gian từ 3,5 – 4 tiếng. Sau khi nấu được nửa thời gian thì bạn trở đầu lại cho bánh được chín lại. Bạn cũng cần chú ý quan sát châm nước thường xuyên, không để nồi cạn nước.
cach-lam-banh-tet-
Đem bánh tét đi nấu trong thời gian từ 3,5 đến 4 tiếng
Có thể làm được những đòn bánh tét cho cả nhà đón Tết quả thật rất thích thú phải không nào? Bạn có thể làm nhiều đòn bánh tét rồi trữ trong tủ lạnh. Khi khách đến nhà thì cắt vài lát bánh ra rồi quay trong lò vi sóng 3-5 phút, sau đó mời khách sẽ rất tiện lợi.

Cỗ Tết truyền thống với món bóng xào thập cẩm



Bóng xào thập cẩm là 1 trong các đĩa thắp hương quan trọng trong mâm cỗ Tết truyền thống của Hà nội xưa. Các bà, các mẹ vẫn luôn thích những món cổ truyền, chiều ý mẹ, ý bà với món xào rất đặc trưng cho Tết xưa này nhé.
Nguyên liệu:
(Cho khoảng 2 - 3 đĩa xào)
+ Bóng bì: 100g
+ Tim cật: 500g
+ Súp lơ: 1/2 cái xanh, 1/2 cái trắng
+ Cà rốt: 1 củ
+ Đậu Hà Lan: 100g
+ Hành hoa, cần tây: 100g
+ Nấm hương: 20g
+ 1 nhánh gừng nhỏ, 100ml rượu trắng
+ GIa vị, hạt nêm, hạt tiêu, dầu ăn.
bong-xao-thap-cam 1
Cách làm
Bước 1: Tim cật sơ chế sạch, thái miếng mỏng vừa, ướp với gia vị, 1 thìa dầu ăn, trộn đều để khoảng 15 phút cho ngấm.
Bước 2: Đậu Hà lan tước bỏ sơ, cà rốt nạo vỏ, tỉa hoa và thái miếng mỏng. Hành hoa, cần tây nhặt rửa sạch, để ráo nước, cắt khúc chừng 5cm.
Súp lơ xanh, trắng sơ chế sạch, thái miếng vừa ăn. Dùng nước sôi trần qua cho súp lơ chín tái.
Nấm hương rửa sạch, ngâm nước cho nở mềm.
Bước 3: Bóng bì chọn miếng trắng, nở đều về ngâm nước khoảng 15 phút cho nở mềm, vắt thật ráo nước, cắt thành miếng vừa ăn. Dùng 1 nhánh gừng tươi giã nhỏ, trộn với 100ml rượu trắng, cho vào bóp kỹ với phần bóng bì đã cắt miếng để tẩy hết mùi hôi, bóng bì sẽ trắng thơm khi thưởng thức. Sau khi bóp rượu gừng, các bạn vắt khô kiệt và không rửa lại phần bóng bì với nước.
Bước 3: Cho dầu ăn vào chảo, dùng phần củ hành trắng cắt lát cho vào phi thơm.
Cho phần bóng bì đã sơ chế sạch ở trên vào xào với lửa nhỏ, nêm chút hạt nêm, nước trắng và hạt tiêu vào cho thơm. Nêm bóng xào thật nhạt thôi để khi xào cùng với các nguyên liệu khác, bóng ngấm thêm gia vị là vừa. Bóng bì chín, đổ bóng ra bát, để riêng sang bên.
bong-xao-thap-cam 2
Bước 4: Dùng chảo vừa xào bóng, thêm chút dầu ăn, cho tim cật và nấm hương vào xào chín tới, để riêng sang bên.
Bước 5: Tiếp tục thêm dầu vào chảo, cho cà rốt cắt miếng vào xào sơ.
Cà rốt chín tái, tiếp tục cho phần súp lơ đã chuẩn bị vào xào cùng. Nêm chút gia vị cho vừa miệng.
Tiếp tục cho phần tim cật và nấm hương đã xào sơ ở trên vào chảo cà rốt súp lơ, xào chín.
Thêm đậu Hà lan, cần tây, hành hoa vào xào cùng trong chảo đến khi chín tái.
Bước 6: Cuối cùng, cho phần bóng bì đã xào chín ở trên vào chảo. Đảo đều và nêm nếm lại cho vừa miệng, tắt bếp.
bong-xao-thap-cam
Cho bóng xào thập cẩm ra đĩa, rắc thêm chút hạt tiêu bắc cho dậy mùi thơm và trang trí với 1 nhánh rau mùi. Món bóng xào thơm ngon đẹp mắt với nhiều màu sắc của rau củ, miếng bóng trắng dẻo dai ngấm vị ngọt từ tim cật, rau củ. Các loại rau củ chỉ nên xào chín tới để giữ được độ giòn ngon khi thưởng thức.
Thành phẩm
Bóng xào thập cẩm - bóng xào tim cật rất ngon, tùy chế biến có hơi cầu kỳ nhưng là một món được nhiều người ưa thích đặc biệt là các bậc phụ huynh thế hệ cũ. Mình đã chia sẻ cách làm khá chi tiết ở trên, các bạn hãy áp dụng để thực hiện món bóng xào nổi tiếng trong cỗ Tết xưa cho mâm cỗ cúng Ông Công Ông Táo hay cỗ cúng chiều 30 Tết đang đến gần nhé, đảm bảo các bậc ông, bà, cha mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được thưởng thức món ăn cổ truyền ngon tuyệt này dưới sự trổ tài của con cháu trong nhà đấy.
Chúc các bạn ngon miệng với món bóng xào thập cẩm đậm vị cổ truyền này.